Kinh nghiệm học tiếng Đức

Sau những bài viết về vấn đề cần thiết của việc học tiếng Đức thật nhiều ở Việt nam trước khi sang Đức, hôm nay mình xin chia sẻ tiếp với các bạn một việc cụ thể hơn là một số phương pháp để học tiếng Đức hứng thú hơn và hiệu quả hơn. 
Bài viết là của chị Cao Bảo Ngọc Bao Ngoc Cao  đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành DaF (giảng dạy tiếng Đức) tại Uni Gießen, người học tiếng Đức 6 tháng ở VN, sang Đức thêm 6 tháng nữa đã đỗ DSH-3 tại Sprachzentrum Uni Weimar, sau đó tốt nghiệp Studienkolleg Darmstadt G-Kurs với số điểm 1.0 
Muốn giỏi ngoại ngữ 

>>Xem thêm: https://kynanghoctiengduc.blogspot.com/2015/10/khoa-hoc-tieng-uc-re-nhat-sai-gon.html

Cách học tiếng Đức: Phát âm – Ngữ pháp – Đọc hiểu – Từ vựng 
Khi bạn sử dụng một ngoại ngữ thành thạo thì nó sẽ giống như một cơ thể sống với ngữ pháp là khung xương, từ vựng là da thịt và tiếng nói hay phát âm là linh hồn. 
1. Học phát âm: 
Phương pháp học ngoại ngữ hiện đại không bắt đầu bằng giải thích ngữ pháp mà bằng luyện phát âm. Có ý nghĩa của nó, vì sao? Nếu bạn bắt đầu bằng học ngữ pháp hay từ vựng thì bạn vẫn phải đọc cái từ đó lên, và nếu bạn phát âm không chuẩn thì về sau rất khó sửa (kinh nghiệm học tiếng Anh 10 năm đau thương của tôi!). Thế nên khi đi học tiếng Đức ở khoa Đức trường ĐH Hà Nội thì 2 tuần đầu tiên bạn chủ yếu chỉ học phát âm mà thôi. Học phát âm lại phải rất intensive mới hiệu quả, vì chúng ta là người trưởng thành rồi, hai mươi mấy năm lấy hơi uốn lưỡi như vậy rồi, bây giờ chuyển sang một ngôn ngữ mới giống như phá một pháo đài kiên cố, mỗi ngày bạn bắn 2 viên đạn chẳng ăn thua, mà phải cho nó một quả bom mới được! 2 tuần học phát âm tiếng Đức sẽ khiến bạn mệt đến mức đau hàm, mỏi cổ, tức ngực ấy, nhưng rồi sau đó bạn có thể tận hưởng thành quả những nỗ lực của mình! 
Nói thế không có nghĩa là học xong khóa phát âm này là bạn đã nói chuẩn hết rồi. Khi tiếp xúc với người Đức và đặc biệt là từ khi sang Đức, bạn nên „dỏng tai lên“ mà nghe cách phát âm của họ. Tôi có một thú vui là nhại tiếng Mailbox điện thoại, nghe loa thông báo trên tàu và „hóng hớt“ những hành khách nói to xung quanh. Đấy có thể là tiếng địa phương, cũng có thể là cách phát âm đúng mà bạn luyện chưa tới. Hãy trao đổi với các thầy cô dạy tiếng Đức và đi học một khóa Aussprachetraining ở Sprachzentrum của Uni nữa nhé! 
Hồi học Kolleg ở Darmstadt tôi có một thầy giáo tiếng Đức tuyệt vời. Khi gọi đọc bài ông luôn yêu cầu chúng tôi đọc phải tròn vành rõ chữ, đúng trọng âm, phải ngắt nghỉ, lên giọng xuống giọng. Ông thường nói với sinh viên nước ngoài rằng: „Nếu các bạn ngữ pháp chuẩn, dùng từ hay, mà nói không đúng ngữ điệu thì người ta cũng không nhận ra là các bạn đang nói tiếng Đức đâu!“ 

>>Xem thêm: http://bit.ly/2bMnWlT

2. Học ngữ pháp: 
Nhiều người không coi trọng việc học ngữ pháp, cho rằng nói sao để hiểu nhau là được rồi. Đúng, nếu bạn làm những công việc đơn giản. Còn khi bạn vào trường Đại học hoặc đi làm thực tập ở Đức mà bạn nói ngữ pháp không chuẩn thì bạn sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Đây không phải chỉ là trải nghiệm của cá nhân tôi mà hầu hết bạn bè đi học, đi làm ở Đức đều đã chia sẻ lại với tôi như vậy. Bạn có thể tức giận mà cho rằng: „Người Đức phân biệt chủng tộc!“ nhưng thật ra ngay ở Việt Nam mình cũng thế thôi, khi vào những môi trường nghiêm túc, yêu cầu cao thì bạn cũng phải nói năng tương ứng, chứ không thể nói chuyện như lúc tán gẫu với bạn bè được, đúng không? Thư từ giao dịch và các bài viết nộp ở Uni thì chuẩn ngữ pháp là điều bắt buộc. Thư xin việc mà bạn lại viết sai ngữ pháp thì thôi rồi... Ngay cả sinh viên Đức trước khi nộp bài cũng phải đi nhờ người soát lỗi ngữ pháp đó bạn ạ. Nếu bạn muốn biết ông giáo sư của mình ngày thường hiền lành tốt bụng thế có thể trở thành „thú dữ“ ra sao thì bạn cứ thử nộp một cái Hausarbeit mà chưa được Korrekturlesen xem! 
Khi tiếng Đức của bạn chưa vững, bạn cảm giác mình chưa kiểm soát được hết các yếu tố ngữ pháp trong câu nói của mình thì đừng nói nhanh, nói chậm và để ý đến ngữ pháp quan trọng hơn! Ông thầy tiếng Đức của tôi nói rằng: Tai người Đức nhạy cảm nhất với vị trí động từ, sau đó đến giới từ rồi quán từ và đuôi tính từ, chẳng hạn nếu bạn nói „Ich hab eine sehr gute Buch gefunden!“ thì người nghe vẫn cảm giác „đúng“ hơn là khi bạn nói: „Ich habe gefunden ein sehr gutes Buch!“... Cũng đừng nản khi mình chưa nói đúng được ngay vì bạn cũng thấy đấy, vị trí động từ trong tiếng Đức đôi khi ngược hẳn với tiếng Việt và tiếng Anh – là những ngôn ngữ chúng ta đã biết. Khi sang Đức bạn sẽ thấy không chỉ mình bạn phải chiến đấu với ngữ pháp tiếng Đức đâu, mà cả các bạn đến từ Anh, Mỹ hay các nước khác nữa! Chỉ cần bạn thể hiện ra là mình đang rất nỗ lực học tiếng Đức thì bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và giúp đỡ từ người Đức. Cách tốt nhất là cứ mạnh dạn nói và nhờ người đối diện sửa cho mình khi họ thấy mình mắc lỗi nào đó. Trong vòng 3 năm từ ngày đầu tiên sang Đức tôi luôn nói với những người bạn Đức của mình là: „Ich lerne Deutsch, bitte korrigiere meine Fehler für mich!“ Khi đi dạo, đi tàu, đi chợ, đi chơi... bạn hoàn toàn có thể bắt chuyện với những người Đức xung quanh, đầu tiên là bằng một nụ cười. Không phải ai cũng sẽ đáp lại bạn đâu nhưng nếu thấy người đối diện cũng mỉm cười đáp lại thì bạn nói một câu gì đó về thời tiết, chẳng hạn: „Heute ist das Wetter schön/ schlecht!“. Nếu thấy họ lại đáp lại tiếp kiểu „Ja“ hay là „Nein“ thì bạn có thể tiếp tục bằng cách kể một chút về bản thân: „Ich bin neu/ seit ein paar Tagen in Deutschland. Ich lerne noch Deutsch.“ Và lại cười thật tươi tiếp! Đến đây thì trong đa số các trường hợp người đối diện sẽ hỏi han bạn thêm một chút và thế là bạn có cơ hội để luyện tiếng Đức rồi! 
3. Đọc hiểu 
Học ngữ pháp cho chắc không phải chỉ để người bản xứ tôn trọng mình, mà nó còn giúp bạn hiểu được các bài Text ở Uni nữa. Ví dụ một câu trông có vẻ rất „kinh khủng“: 
„Jeder Unterricht steht vor der Aufgabe, die Voraussetzungshaltigkeit und Komplexität eines Gegenstandes auf das hin zu konzentrieren, was seine Zugänglichkeit sichert.“
 

Sau khi phân tích ngữ pháp câu này, bạn sẽ thấy nó dễ hiểu hơn nhiều:
1. Chủ ngữ của câu này là gì? -> Jeder Unterricht
2. Vị ngữ? -> steht vor der Aufgabe
Như vậy là câu này bàn về „Unterricht“, cụ thể hơn là bàn về 1 cái Aufgabe của Unterricht. Aufgabe đó là gì, thì được giải thích trong mệnh đề „zu“ tiếp theo. Động từ của mệnh đề „zu“ này là konzentrieren. Konzentrieren theo nghĩa „tập trung vào vấn đề gì“ thì cách dùng là Jemand konzentriert sich auf etwas (Akk.). Thế nhưng ở đây bạn không bắt gặp cấu trúc này mà lại là cấu trúc etwas auf etwas (Akk.) konzentrieren, có phải không?
 

„die Voraussetzungshaltigkeit und Komplexität eines Gegenstandes auf das hin zu konzentrieren“ 
Sau khi tra Langenscheidt thì bạn biết nghĩa của từ „konzentrieren“ ở đây không phải „tập trung“ mà là cô đọng, dồn nén cái gì thành cái gì, kiểu như trong điều chế hóa học ấy. (Từ „hin“ ở đây là Adverb, chỉ có ý nghĩa nhấn mạnh sự biến đổi, thay đổi phương hướng.) Bây giờ bạn biết được là „Nhiệm vụ của Unterricht là cô đọng cái Voraussetzungshaltigkeit và Komplexität của một đối tượng vào thành một cái gì đó...?“ „Cái gì đó“ ở đây là „das“ và được giải thích trong mệnh đề quan hệ tiếp theo: das = was seine Zugänglichkeit sichert. „Seine“ ở đây là của ai? Seine thì chỉ đi với từ nào là „der“ hoặc „das“ thôi, bạn thấy cái từ der hoặc das gần nó nhất là Gegenstand. Tức là cái das ở đây = was die Zugänglichkeit des Gegenstandes sichert. 
Qua phân tích này hi vọng bạn thấy được nhận thức là một quá trình nhiều bước và ngữ pháp là một người dẫn đường quan trọng. Cái câu rất phức tạp bên trên bây giờ bạn đã có thể bẻ nó thành 3 câu nhỏ hơn, dễ hiểu hơn: 
„Jeder Unterricht hat eine Aufgabe: Der Unterricht konzentriert die Voraussetzungshaltigkeit und Komplexität eines Gegenstandes auf einen Kern. Dieser Kern sichert die Zugänglichkeit zum Gegenstand.“
Tất nhiên để diễn giải và đánh giá được nhận định này thì bạn còn cần kiến thức chuyên ngành nữa, nhưng ít nhất thì đến đây rào cản ngôn ngữ (Sprachbarriere) của bạn đã được dỡ bỏ. Tôi tin rằng rất nhiều sinh viên Việt Nam bỏ học giữa chừng đáng lẽ đã có thể cứu được sự nghiệp học hành của họ, nếu như họ nắm vững phương pháp này.
 

4. Học từ vựng: 
Khung xương chắc, tiếng nói hay mà mỏng da thiếu thịt thì cơ thể cũng yếu ớt, thiếu sức sống, làm nhiều việc bị hạn chế, đúng không? Trong ví dụ ở phần trước bạn cũng đã thấy: Sau khi phân tích ngữ pháp bạn còn phải tra nhiều từ nữa mới có thể hiểu được nội dung câu ấy. Như vậy: Vốn từ vựng của bạn chính là „vốn“ để bạn bắt đầu sự nghiệp học tập trên nước Đức đó. Theo thời gian càng tích lũy nhiều thì bạn càng „giàu“, càng có „vốn“ lớn hơn để theo đuổi những dự án lớn hơn! Học từ vựng không khó, chỉ cần chăm chỉ chịu khó mà thôi! Cách học từ vựng của tôi: Tôi viết mỗi từ mới 1-2 dòng, trong lúc viết thì tay viết, mắt nhìn, miệng nhẩm, tai nghe, đến hết dòng thì tôi đặt 1 câu cho từ đó. Lúc đặt câu là lúc bạn tìm một hình ảnh sinh động gắn với từ đó để „găm“ nó vào não. 
Học từ nào thì học đến nơi đến chốn, với danh từ thì phải học der/die/das và dạng số nhiều, với động từ phải học cách chia bất quy tắc, tách hay không tách, với nghĩa này thì đi kèm giới từ nào, bổ ngữ là cách 3 hay cách 4, với tính từ thì khi biến đổi sang dạng so sánh có gì đặc biệt không, dùng kèm với giới từ nào, động từ nào. Học kiểu này khá kỳ công, chỉ học được khoảng 10 từ một lúc là thấy „oải“ lắm rồi, ngồi cả buổi chiều có khi chỉ học được khoảng 20 từ. Nhưng từ nào đã học thì không bao giờ quên cả, cũng chẳng bao giờ nhầm lẫn linh tinh. Ngày được ít ngày được nhiều, nếu bạn cứ kiên trì tích lũy như vậy thì chỉ sau một thời gian bạn sẽ thấy vốn từ vựng bị động (passiver Wortschatz) của bạn tăng lên đáng kể. Và vốn từ vựng chủ động (aktiver Wortschatz) cũng sẽ tăng lên nếu bạn tích cực áp dụng những từ mới học được vào nói, viết hàng ngày. 
Học từ vựng lại có yếu tố vui vẻ hoặc thực tiễn thì càng hiệu quả. Hôm trước tôi đọc „Meisterdetektiv Conan“ học được thêm từ mới Alibi = bằng chứng ngoại phạm (das Alibi, die Alibi, ein Alibi für etwas). Hồi trước tôi rất hay nhầm stationäre Behandlung và ambulante Behandlung, không rõ cái nào là điều trị nội trú, cái nào là điều trị ngoại trú. Sau mấy ngày nằm viện thì không còn nhầm nữa! 
Nếu bạn đang quan tâm đến một vấn đề nào đó, ví dụ giáo dục giới tính chẳng hạn, sao không ra thư viện thành phố mượn 1 cuốn sách về chủ đề đó, học được vô số từ mới lại còn thu được nhiều kiến thức nữa chứ! Các bạn đang ở Việt Nam có thể tha thẩn vào các trang của các trường, đọc những đoạn giới thiệu về các ngành học, về truyền thống lịch sử của trường v.v... 
Khi các bạn mới học tiếng Đức, trí nhớ còn tươi mới như chiếc đĩa trắng, hãy tranh thủ học thuộc lòng những hội thoại ngắn hay những đoạn văn hay. Bộ nhớ của bạn sẽ gọi ra một từ dễ dàng hơn, nếu nó đã được nạp vào trong một ngữ cảnh cụ thể và sống động như vậy! Có nhiều nghiên cứu nói rằng những thông tin bạn tiếp nhận trong vòng 30 phút trước khi đi ngủ sẽ đi vào vô thức sớm nhất, nên cũng có lời khuyên bạn dành khoảng thời gian này để học từ mới hoặc nghe 1 bài nghe. 
Tôi khuyên các bạn nên sớm tập dùng từ điển Đức – Đức (của Langenscheidt hoặc Duden), ban đầu sẽ cần thời gian để quen, nhưng dần dần các bạn sẽ thấy rất hiệu quả. Từ điển Đức – Đức giải nghĩa một từ bằng những từ tiếng Đức đơn giản hơn kết hợp với câu ví dụ và hình ảnh minh họa. Học như thế bạn không chỉ được thường xuyên củng cố những từ đã biết (vốn từ căn bản) mà còn được luyện tập cách suy nghĩ bằng tiếng Đức luôn, không phải mất thời gian dịch nhẩm trong đầu nữa. Nên nhớ: Khi sang Đức rồi thì các bạn phải học bằng tiếng Đức với người Đức mà! Nếu bạn muốn hỏi gì thì bạn phải hỏi bằng tiếng Đức, khi trả lời bạn các thầy cô cũng lại trả lời bằng tiếng Đức mà! Tức là bạn phải học làm sao để tiếng Đức thật sự trở thành công cụ làm việc cho bạn. Thế nên muộn nhất là sau trình độ B1 thì các bạn phải sử dụng chủ yếu là từ điển Đức – Đức, dùng Đức – Việt chỉ khi có từ nào không thể nào hiểu nổi thôi. 
* Một ý nhỏ cuối cùng muốn chia sẻ: tôi nghĩ rằng bạn sẽ rất khó để giỏi một ngoại ngữ nếu bạn cứ giữ mãi trong đầu ý nghĩ là bạn ghét nó! Nếu bạn chưa yêu nó ngay, rất bình thường, có thể càng học càng tìm hiểu bạn sẽ càng yêu. Có thể bạn yêu nó vì bạn yêu những trải nghiệm, những cơ hội, những mối quan hệ mà ngoại ngữ ấy mang lại cho bạn.  
Có một câu nói của Lênin mà tôi rất thích: „Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời.“ ©
Share on Google Plus

About Admin

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét